kinh-nghiệm-niềng-răng-bạn-cần-lưu-ý

Niềng răng: 6 kinh nghiệm bạn cần lưu ý

Bạn hay người thân muốn niềng răng do sở hữu hàm răng chưa đều, thì đây là bài viết bạn không nên bỏ lỡ. Mình sẽ bật mí các mẹo mà có thể bạn chưa từng nghĩ tới. Mình sẽ giới thiệu các loại mắc cài và các dụng cụ hỗ trợ trong quá trình chỉnh nha. Bạn cũng được lưu ý nhiều tips cực kỳ quan trọng nữa.

Độ tuổi và ai nên niềng răng

Lý do mình quyết định niềng răng là vì mình có răng khểnh, hàm nhỏ mà răng to nên mọc chen chúc nhau. Một số người muốn niềng răng do hô, móm, răng mọc lệch, mọc thưa, hoặc mất răng. Chỉnh nha giúp hàm răng đều thẳng tắp, nụ cười đẹp, khớp cắn được khắc phục và quan trọng là giúp vệ sinh dễ dàng hơn.

Mình biết rõ điều đó nhưng mãi đến năm 38 tuổi mới có đủ duyên để thực hiện. Nói ý định đó với chồng thì chồng bảo sao phải niềng, răng vậy cũng lấy được chồng mà!!! Và anh ấy ra sức cản với lý do nào là can thiệp dao kéo về già răng sẽ yếu đi. (Ủa, ai già răng không yếu?). Tuy nhiên mình biết là thường xuyên ngậm muối, thì răng sẽ chắc khỏe thôi mà.

do tuoi nao nen nieng rang
Niềng răng ở độ tuổi nào?

Vậy độ tuổi lý tưởng để niềng răng là khi nào? Nếu trẻ em dưới 12 tuổi thường sẽ được đeo trainer, nên độ tuổi lý tưởng để chỉnh nha là 12-16 tuổi. Vì tốc độ niềng nhanh và ít chi phí duy trì. Tuy nhiên nếu từ 35 tuổi trở lên mà vẫn muốn niềng thì cần xem xét các yếu tố là răng có khỏe không. “Bệnh nhân” có “độ lì” quyết tâm cao hay không. Vì có một số người phải bỏ cuộc giữa chừng do nhiều nguyên nhân.

Do mình là người duy mỹ, thích vẻ hoàn hảo, nên cơ hội đến là mình làm luôn. Không bây giờ thì bao giờ?!! Ngoài ra, một lưu ý cho các bố mẹ là nên theo dõi thói quen nhai của con. Ví dụ con còn bé thì nên tập cho con nhai đồ dai, cứng để xương hàm phát triển. Tránh việc hàm nhỏ quá so với số lượng răng nên cứ mọc chen chúc khi trưởng thành.

À, bật mí thêm một “niềm tin tâm linh” là nếu hai răng cửa bị khấp khểnh thì con đường hôn nhân của người sở hữu nó ít suôn sẻ. Bạn thử để ý xem. (Mình nhớ là đã đọc ở đâu lâu lắm rồi). Nhưng không phải ai ly hôn cũng do răng cửa không đều.

Tìm hiểu nha khoa uy tín

Thật ra mình cũng không tìm hiểu nhiều nha khoa, mà triển luôn do cô bạn đồng nghiệp đã niềng ở một cơ sở rất uy tín và kết quả rất mỹ mãn. Sau niềng bạn mình vẫn uống nước lạnh tốt. Răng không bị ê buốt như nhiều người “đe dọa” nên mình rất tự tin phó thác cho chỗ cô ấy đã làm.

Cộng với bản chất răng mình cũng khá chắc chắn, không bị các vấn đề như mòn men răng, viêm tủy, viêm nha chu, viêm nướu nên mình yên tâm phần nào. Bạn nên đến tham khảo ở một vài nơi uy tín trước khi đi đến quyết định nhé. Nếu bạn cần thì cứ nhắn, mình sẽ giới thiệu nha khoa đã làm cho mình.

Sau khi được thăm khám, chụp X-quang răng thì trường hợp của mình là nhổ răng khôn, và 2 răng mọc ngầm ở trong nướu. (Vụ nhổ răng này của mình cũng khá vất vả và phải chích thuốc tê 2 lần, do răng mình chắc quá!). Rồi bác sỹ tiến hành lấy dấu và hẹn ngày tái khám.

Lưu ý: nếu bạn phải nhổ răng thì tránh hẹn nhổ lúc mình đang kỳ đèn đỏ nhé.

Nên chọn loại mắc cài nào

Mắc cài kim loại: đây là loại mắc cài đuợc khuyến khích sử dụng nhiều, do tốc độ kéo răng nhanh và bền. Tuy nhiên loại này ít thẩm mỹ hơn cả, vì màu sắc của mắc cài làm cho nụ cười của không “tỏa nắng” mà một màu đen đen, xỉn xỉn. Tuy nhiên hãy tự nhủ trước xấu sau đẹp thì “OK fine”. Mình cũng chọn loại mắc cài này và đồng hành với nó gần 4 năm.

Mac cai kim loai
Mắc cài kim loại- sự lựa chọn của nhiều người

Mắc cài sứ: Loại mắc cài sứ nhìn xa xa không có vẻ gì là bạn đang niềng nên về mặt thẩm mỹ tương đối ổn. Tuy nhiên mắc cài nay ít bền, hay bị sút trong quá trình nhai, nên bác sỹ có thể khuyến cáo bạn không nên dùng loại này.

Mắc cài invisalign: loại này trong suốt nên thẩm mỹ và độ chính xác cao, nhưng bù lại chi phí khá đắt, từ 80-100tr. Thông thường các nghệ sỹ hay chọn vì ít ảnh hưởng đến ngoại hình và công việc của họ.

Tùy vào trường hợp cụ thể của bạn mà bạn sẽ trải qua các công đoạn gắn mắc cài 1 hàm, 2 hàm, tách kẽ, nâng khớp cắn (hai giai đoạn này là kinh hoàng đối với mình), đeo thun liên hàm (mình không phải nếm trải quả này), kéo răng…

Sau khi niềng thì giai đoạn này phải vô cùng đấu tranh, kiểu như tiếp tục nữa hay không, vì rất đau và khó chịu. Vài ngày đầu mình toàn phải ăn cháo loãng, đến nỗi cọng giá cũng nhai không nổi. Mẹo để vượt qua giai đoạn khó khăn này là mình luôn “giắt lưng” một chiếc kéo be bé. Mình cắt thức ăn nhỏ hết mức có thể. Rồi thì mọi việc cũng qua!!!

Nhiều lúc mình cũng khá stress vì đau và không ăn uống bình thường được. Vì mình hay gặp các “đồng niềng” là con của đồng nghiệp, nên mình hay phỏng vấn kinh nghiệm ăn uống của các con. Các bé bảo, con vẫn “ăn cả thế giới, đâu có đau”. Thế nên mình yên tâm chờ ngày ăn thế giới như bọn trẻ. Và đúng thế thật, qua giai đoạn kéo răng thì mình có thể nhai cả xương mà không vấn đề gì.

Dụng cụ vệ sinh răng miệng thiết yếu

Bàn chải

Bạn thân thiết của mình là bàn chải lông tơ, vì giúp mình nhẹ nhàng đánh được cuối hàm, hoặc không làm đau khi bị nhiệt miệng. Trong suốt quá trình niềng, ngoài sự đau đớn ban đầu do kéo răng, thì mình còn bị tình trạng đang nhai xong “phập” vào môi, nên dây cung bập vào đau điếng. Y như rằng vài ngày sao là chỗ vết thương ở môi sưng vều do nhiệt miệng hành luôn.

Để giảm tình trạng đau đớn thì mình hay dán sáp niềng lên dây cung, tránh cho môi va vào. Đồng thời mình bôi gel chữa nhiệt miệng mua ở tiệm thuốc tây.

Tham khảo: Bàn chải lông tơ

toothbrush 1
Bàn chải lông tơ

Chỉ nha khoa

Cuộn chỉ nhỏ gọn luôn là bạn thân thiết. Mình dùng chỉ nha khoa ngay cả sau niềng. Chỉ nha khoa giúp lấy thức ăn tốt hơn là tăm và không làm thưa kẽ răng hay tụt nướu răng. Ngoài ra bạn cũng phải dùng chỉ đúng cách, để tránh các mảng bám hình thành ở chân răng.

Tham khảo: Chỉ nha khoa thông dụng

Tăm nước

Mình đã sử dụng qua tăm nước loại cắm điện, nhưng thấy hơi lích kích, không thuận tiện lắm. Chắc phải đầu tư một chiếc tăm nước du lịch cầm tay. Mình nghe nói loại ấy áp lực mạnh và tác dụng làm sạch rất tốt.

Tham khảo: Top danh sách máy tăm nước được mua nhiều nhất

Trong quá trình niềng, bạn lưu ý là không nên ngậm muối thường xuyên. Vì muối sẽ làm răng chắc hơn và giảm tốc độ di chuyển của răng, làm quá trình niềng mất nhiều thời gian hơn.

Nhiều bạn, trong đó có mình, bị hóp má trong trình niềng, gương mặt dài ra, má hóp đi, nên mình rất sợ soi gương. Để khắc phục, bạn có thể uống thêm sinh tố hay nước ép trái cây gồm ba loại là táo, cam cà rốt. Loại nước ép này còn có tác dụng tăng sức đề kháng, kích thích sản sinh collagen cho da và giảm tình trạng viêm mũi dị ứng nữa đó. Chà, mình lại đi xa quá!!

Hậu niềng

Sau bao ngày chờ đợi thì bác sỹ cũng báo là bạn sắp được tháo mắc cài. Tuy nhiên, việc tháo mắc cài không có nghĩa là kết thúc quá trình niềng răng ngay lập tức.

Tẩy răng

Thông thường bạn sẽ được tẩy trắng răng. Bác sỹ sẽ hướng dẫn cách tra thuốc vào máng để đeo vào hàm. Mới đầu mình cũng lấy lượng thuốc theo cỡ được tư vấn, nhưng cảm thấy vô cùng ê buốt như bị đau nhức răng. Những ngày hôm sau mình tra ít thuốc lại, kết quả là ít buốt hơn.

Cứ thế mấy ngày kế tiếp mình tăng dần liều lượng cho đạt yêu cầu, mà không còn cảm giá buốt tận xương tủy như lúc đầu. May quá, mình không phải vứt xó đống thuốc như một người bạn mình đã từng.

Hàm duy trì

Thêm nữa, sau khi tháo niềng, bạn có thể sẽ vẫn được lắp cung kim loại mặt trong và vẫn phải tái khám định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, mình vẫn phải đeo hàm duy trì vào mỗi tối để chỉnh lại kẽ răng bị thưa sau khi tháo mắc cài. Có trường hợp phải đeo hàm luôn cả ban ngày, chỉ tháo hàm khi ăn thôi.

Đeo hàm duy trì là việc cần làm để tránh răng bị chạy sau khi niềng. Một số người do quên hay lười đeo hàm nên phải niềng lại sau một thời gian. Do vậy, đã tốn công sức niềng răng, thì mình đeo hàm thường xuyên cho “công cuộc đầu tư” nó rốt ráo.

Thăm khám sau niềng

Tóm lại, để việc niềng răng hiệu quả và cho kết quả tốt, thì ngoài tay nghề của bác sỹ thì việc thăm khám định kỳ rất quan trọng. Mình hầu như tuân theo lịch hẹn của bác sỹ. Điều này giúp bạn đạt kết quả nhanh và không bị trễ các kế hoạch như du học, định cư, mang thai v.v.

So với một số người thì trường hợp của mình là khá lâu. Để đỡ sốt ruột, sau khi đi tái khám về là mình tự nhủ là hãy quên nó đi. Và cứ thế mình tung tăng trải qua mấy cái tết “vẫn chưa tháo niềng” trong hòa bình và hạnh phúc.

Đây là hình ảnh em nó lúc thanh xuân, trước niềng và sau niềng:

before after
Trước, trong và sau khi niềng răng

Giờ đây, khi đã sở hữu hàm răng đều như nhiều người thì mình tự tin khi cười hơn. Mình cảm thấy thật tuyệt vời khi có hàm răng đẹp.

Vì vậy, nếu bạn đã quyết định niềng răng, thì còn ngại gì mà không làm, phải không? Mình đã làm và rất hối hận vì… không niềng sớm hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *